Chiếc bồn tắm (anh T. mới lắp đặt có giá hơn 30 triệu đồng) được làm từ chất liệu rất tốt cũng bị vỡ toác...
Nửa đêm, một tiếng động lớn phát ra như nổ bình gas...
3 giờ sáng, vợ chồng anh T. (trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị dựng dậy bởi một tiếng động lớn (giống như tiếng nổ) phát ra trong nhà. “Thần hồn nát thần tính”, anh T. chợt nghĩ có thể do bình gas phát nổ. Hồi hộp, anh mò mẫm bật đèn kiểm tra mọi ngóc ngách trong nhà thì phát hiện chiếc bình nóng lạnh loại 30 lít treo trên tường phòng tắm rơi chỏng chơ trong bồn tắm...
"Khổ chủ" cho biết: may mắn sự cố xảy ra lúc 3 giờ sáng nên không ai trong gia đình bị hề hấn gì. “Nếu lúc đó có người đang tắm dưới bồn thì hậu quả chưa biết ra sao. Thử nghĩ, chiếc bình nước nóng nặng hơn 10kg, cộng với 30kg nước chứa bên trong rơi từ độ cao khoảng 2m xuống thì sẽ thế nào... Cứ nhìn chiếc bồn tắm (anh T. mới lắp đặt có giá hơn 30 triệu đồng) được làm từ chất liệu rất tốt cũng bị vỡ toác, không thể sử dụng đủ thấy độ nguy hiểm nếu rơi trúng người”- anh T. bức xúc.
Là kỹ sư trong lĩnh vực kết cấu vật liệu xây dựng, anh T. chia sẻ: Là người trong nghề nên anh ý thức được tầm quan trọng của vật liệu, cách thức xây dựng, đặc biệt là vị trí để lắp đặt bình nóng lạnh nên đã đầu tư khá công phu cho công trình của mình.
Trong khâu hoàn thiện ngôi nhà, anh T. chú trọng vào “không gian riêng” là phòng tắm nên đầu tư thiết bị máy nước nóng chất lượng cao của hãng Ariston và bồn tắm cho nhu cầu sử dụng của gia đình. Khi lắp bình nóng lạnh do thợ điện nước (không phải của Cty Ariston) thực hiện, anh có thắc mắc với người thợ về độ an toàn của các lỗ treo thiết bị. Song do hơi chủ quan, lại tin tưởng vào thợ lắp đặt và nghĩ nếu gia cố thêm sẽ ảnh hưởng mỹ quan phòng tắm nên anh T. đã bỏ qua “linh cảm” không hay của mình. Và hậu quả là sau thời gian sử dụng, chiếc bình nóng lạnh rơi khiến cả nhà anh phải một phen “lạnh gáy”...
Vị trí lắp đặt bình nước nóng tại nhà anh T. (vòng tròn) và bình nóng lạnh hiệu Ariston (ảnh nhỏ) bị rơi.
Sau sự cố, kiểm tra lại vị trí lắp đặt bình nước nóng, anh T. phát hiện người thợ điện nước đã lắp đặt bình chưa đúng kỹ thuật làm bình có xu thế bị nghiêng ra ngoài, tạo nên lực kéo dọc luôn tồn tại trong các đinh vít, các vít nở bắn vào tường bằng nhựa lâu ngày bị yếu nên không đủ khả năng chịu lực.
Hơn nữa, do các vít nở đã bị thay đổi (không phải của chính hãng Ariston sản xuất đi kèm với bình nước nóng),cộng thêm kỹ thuật khoan vào bê-tông không đúng nên bình nước nóng đã kéo tuột các đinh vít ra ngoài gây nên sự cố.
Qua sự việc này anh T. chia sẻ, phòng tắm và các thiết bị lắp đặt trong phòng (máy nước nóng, hệ thống dây điện...) là những hạng mục quan trọng và luôn có nhiều ẩn họa, do đó mọi người phải hết sức cẩn thận. Theo anh, không nên lắp bình nước nóng vào vị trí tường xây bằng gạch rỗng mà nên gia cố chắc chắn bằng bê tông, hoặc xây gạch đặc, lớp vữa tô phải đảm bảo chất lượng thì sẽ an toàn hơn. Nếu không ngại ảnh hưởng mỹ quan, tốt nhất nên làm thêm giá đỡ để tăng cường sự chịu lực... Bên cạnh đó, anh cũng muốn chia sẻ với nhà sản xuất nói chung (vì cấu tạo móc treo của các sản phẩm phần lớn giống nhau) nên cải tiến hệ thống móc treo để tăng thêm hệ số an toàn cho người sử dụng...
Về phía nhà sản xuất, ông Nguyễn Như Hải- Giám đốc bán hàng khu vực miền Trung của Cty TNHH Ariston Thermo Việt Nam- cho rằng: Sự cố rơi bình nước nóng tại nhà anh T. nằm ngoài ý muốn, nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật lắp đặt không đúng, cộng với hệ thống đinh, vít nở không phải do Ariston sản xuất đi kèm với thiết bị... nên không đảm bảo độ an toàn, chịu lực.
Qua sự việc này, ông Hải mong muốn người sử dụng khi mua sản phẩm của Ariston hay của các hãng sản xuất khác nên đọc kỹ hướng dẫn cách lắp đặt, sử dụng thiết bị và các khuyến cáo của nhà sản xuất đưa ra. Đồng thời các thiết bị đi kèm phải đồng bộ; quy trình, cách thức, vị trí lắp đặt phải được tính toán, kiểm tra cẩn thận... Ông Hải cũng không ngần ngại khuyên người tiêu dùng nên lắp thêm giá đỡ cho bình để tăng độ an toàn.
Nguồn: Công an Đà Nẵng