Skip to content

Chọn máy sấy quần áo cho những ngày mưa

Trong những ngày chuyển mùa khiến thời tiết trở lên ẩm ướt, công việc phơi khô quần áo là rất khó khăn. Chính vì vậy, việc sắm cho gia đình một chiếc máy sấy quần áo là rất cần thiết.

Thời tiết miền Bắc đang chuyển từ mùa đông sang xuân khiến cho quần áo càng phơi càng ẩm ướt, lại còn có mùi thật khó chịu. Trên thị trường, các loại máy sấy tiện dụng hiện bán rất chạy.

Độ ẩm cao, kèm theo mưa phùn, đó là đặc trưng của kiểu thời tiết nồm chỉ có tại miền Bắc vào tháng 2 và tháng 3 hằng năm. Làm thế nào để quần áo nhanh khô? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là chị em phụ nữ. Chị Nguyễn Thu Uyên (Q.Hoàng Mai) bực bội: “Mặc dù đã được máy giặt vắt khô cũng chẳng ăn thua, để vài ngày vẫn còn ẩm nguyên. Nhà có con nhỏ, mình không dám dùng nước xả vải sợ gây dị ứng cho bé nên không tránh khỏi ẩm mốc. Muốn khô chỉ có mỗi cách đem ủi hoặc đưa ra hàng giặt khô, nhưng đâu phải loại nào cũng ủi hoặc có điều kiện đưa ra hàng”.

Chọn máy sấy quần áo cho những ngày mưa

Mời bạn xem thêm dịch vụ sửa máy sấy quần áo của trung tâm điện tử - điện lạnh Bách Khoa!

Tại Hà Nội, việc sử dụng máy sấy quần áo trong gia đình tuy chưa phổ biến như ở nước ngoài, nhưng bắt đầu có rất nhiều hãng, nhiều loại được giới thiệu trên thị trường. Người tiêu dùng có thể tìm mua các loại máy sấy quần áo tại các siêu thị điện máy và các cửa hàng điện lạnh trên phố Huế, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Phùng Hưng, Xuân Thủy… Không chỉ có thể sấy tối đa một lần từ 6 - 10 kg (tương đương 6 - 12 bộ quần áo),các loại máy sấy còn tiết kiệm thời gian từ vài ngày xuống còn 30 phút, giúp người nội trợ bỏ qua bước phơi đồ, thích hợp với gia đình có trẻ nhỏ.

“Xịn” nhất vẫn là những thương hiệu có tên tuổi xuất xứ từ châu Âu như Electrolux, Ariston, White Knight, FBA... Kiểu dáng hiện đại, trông giống hệt những chiếc máy giặt cửa ngang. Chương trình tự động, có kèm theo các chế độ sấy phù hợp với từng loại vải và theo yêu cầu của người sử dụng. Khỏi phải bàn về độ bền của những dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, với giá khá cao từ 7 đến trên 10 triệu đồng/chiếc, loại máy sấy trên chỉ dành cho những gia đình khá giả. Hơn nữa, loại máy này cũng có nhược điểm, quần áo sấy khô nhưng vẫn bị nhàu nát.

Nhỏ gọn và cơ động, có giá từ 1-2 triệu đồng/chiếc là loại máy hình trụ của Filingger, Otto, Saiko, Mimosa, Thiên Thanh... phù hợp với tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” của đại đa số các gia đình Việt Nam, đặc biệt là những gia đình ở chung cư hoặc chật chội, thiếu không gian phơi quần áo. Cấu tạo của máy sấy khá đơn giản, gồm máy sấy điện trở, liên kết với bầu sấy là trục chính cũng là trụ có ba cánh tay đòn làm nơi mắc quần áo. Bao bọc bên ngoài là buồng bằng màng nhựa có dây kéo. Dù một số loại có thêm tính năng chống nấm mốc, nhìn chung nhược điểm của loại máy dạng này tốn điện, ồn.

Năm nay, một số nhà sản xuất trong nước cũng tung ra thị trường máy sấy quần áo cải tiến có dạng tủ hình chữ nhật. Khắc phục nhiều khuyết điểm của các loại máy sấy dạng trụ đứng, mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như: không gian sấy tăng lên gấp đôi giúp sấy nhiều quần áo trong một lần; có thêm bánh xe di chuyển dễ dàng; giảm tiếng ồn, không phải gấp nếp áo vest, quần dài, váy...

Ngoài thông tin hướng dẫn sử dụng có kèm theo mỗi sản phẩm, anh Nguyễn Đức Cường, bán hàng điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng lưu ý, máy sấy chỉ có chức năng sấy khô quần áo, nên khi cho đồ vào máy tuyệt đối không cho những vật có chứa cao su, nhựa dẻo hay bất cứ loại hóa chất nào vì có thể tạo thành phản ứng hóa học gây cháy. Ngoài ra, sau mỗi lần sấy, nên vệ sinh sạch bộ phận có chứa xơ vải bằng khăn ướt. Tất cả các loại máy sấy quần áo đều phải để ở nơi khô ráo, thoáng mát tránh ẩm ướt và mưa tạt vào. Nếu quần áo giặt bằng tay thì nên vắt thật kỹ để tránh nước nhỏ giọt xuống sàn nhà.

Nguồn: baomoi.com

5/5 (1 bầu chọn)