Skip to content

Cần đề cao cảnh giác khi dùng bình nóng lạnh

Từ đầu năm 2014 đã sảy ra vụ án " bố chồng nàng dâu " chết trong phòng tắm do giật bình nóng lạnh gây xôn xao dư luận. Trên thực tế những cái chết thương tâm đều do sự bất cẩn của người dùng.

Trên địa bàn Hà Nội và cả nước có không ít vụ chết người thương tâm khi đang tắm. “Thủ phạm” chính là những bình nóng lạnh bị rò điện. Thế nên làm thế nào để tránh khỏi lưỡi hái của “tử thần điện” là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Những vụ việc đau lòng

Tối 24-1-2014, ông Đỗ Đình Khôi, SN 1945 và con dâu là chị Phạm Minh Nga, SN 1975, đều trú tại khu 5, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, mất mạng trong nhà tắm của gia đình. Việc bố chồng và con dâu bị chết ở một nơi được cho là “nhạy cảm” khiến nhiều người suy đoán theo hướng không lành mạnh. Tuy nhiên, khi CA huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vào cuộc và có kết luận thì vụ việc được sáng tỏ. Theo đó, thủ phạm đã giết hai bố con ông Khôi chính là chiếc bình nóng lạnh trong phòng tắm.

Theo gia đình ông Khôi, chiếc bình nóng lạnh hiệu Ariston đã được gia đình họ sử dụng từ năm 2004. Vào buổi chiều định mệnh 24-1, trước khi xảy ra sự việc, ông Khôi có tháo bình nóng lạnh ra để sửa chữa. Đến tối chị Nga bật bình nóng lạnh để tắm rửa thì bị điện giật. Ông Khôi đang ngồi xem tivi ngoài phòng khách nghe thấy con dâu kêu cứu liền chạy vào kéo tay lôi ra ngoài cũng bị điện giật. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng CA xã Sơn Thủy cho biết: “Thời điểm xảy ra sự việc, 3 đứa con nhỏ của chị Nga cũng đang ở nhà nhưng rất may là các cháu không vào ứng cứu ngay mà chạy sang nhà hàng xóm để gọi người giúp đỡ. Nếu các cháu bé mà vào lôi ông và mẹ ra thì vụ việc còn nghiêm trọng hơn rất nhiều”.

Trước đó, vào hơn 23g ngày 13-4-2009, vợ chồng anh Toàn ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội đi có việc về đến nhà gọi cửa nhiều lần nhưng không thấy ai trả lời nên phải phá cửa vào nhà. Linh cảm có điều chẳng lành, vợ chồng anh Toàn lao vào nhà tìm kiếm thì phát hiện con gái 2 tuổi và người phụ nữ giúp việc đã chết trong nhà tắm. CA quận Tây Hồ tổ chức khám nghiệm hiện trường và xác định chiếc bình nóng tại phòng tắm bị rò điện là thủ phạm.

Ngày 30-6-2010, CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng điều tra và xác định, chị Nguyễn Thu Trang, ở ngách 40, ngõ Thống Nhất, phố Đại La, phường Trương Định, Hà Nội tử vong do điện giật. Nguyên nhân được xác định, khi chị Trang đang tắm dưới bình nóng lạnh thì bị điện giật do bình đã cũ, bị rò điện. Khi người nhà phát hiện, ngắt điện phòng tắm thì chị Trang đã ở trong tình trạng nguy kịch nên dù được đưa đi cấp cứu ngay vẫn không qua khỏi.

cần cảnh giác khi dùng bính nóng lạnh
Bình nóng lạnh cần được kiểm tra thường xuyên. Ảnh: TL

Sử dụng bình nóng lạnh đúng cách

Mặc dù nhiều vụ chết người thương tâm vì bị rò điện từ bình nóng lạnh trong phòng tắm đã xảy ra trên cả nước nhưng hầu hết các gia đình có bình nóng lạnh vẫn không biết sử dụng thiết bị này thế nào cho an toàn. Vào mùa đông, nhiều gia đình chọn cách bật bình nóng lạnh 24/24g để có thể tắm rửa bất cứ lúc nào. Chị Nguyễn Thị Mơ, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội nêu ý kiến: “Bình nóng lạnh nào cũng được quảng cáo là có rơle tự ngắt nên rất an toàn. Những vụ bị chết người vừa rồi là do sử dụng bình nóng lại quá cũ, bị rò điện”?!

Anh Nguyễn Văn Tiến, kỹ sư điện, đang công tác tại Tập đoàn Điện lực cho biết: “Thực tế, rơle ở bình nóng lạnh chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước của bình. Khi sử dụng, nhiệt độ nước thấp thì rơle tự động cấp điện, nhiệt độ nước cao, rơle tự động cắt điện, chứ không có chức năng bảo vệ chống điện rò ra nước nên bất cứ loại bình nóng lạnh nào cũng có thể bị rò điện, gây nguy hiểm nếu người sử dụng không ngắt nguồn điện của bình khi tắm. Nếu bị điện giật khi đang tắm, hầu hết nạn nhân khó qua khỏi vì bị điện giật trên diện rộng, khó ngắt điện hoặc chạy ra ngoài. Để đảm bảo an toàn, ngoài việc không sử dụng bình nóng lạnh quá cũ (trên 10 năm trở lên),mọi người buộc phải ngắt điện bình nóng lạnh trước khi tắm”.

Anh Tiến cũng lưu ý, các gia đình cần chú ý tới việc bảo dưỡng bình nóng lạnh sau một thời gian dài sử dụng vì thiết bị có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện. “Một số người cho rằng bật bình nóng lạnh 24/24g để tiết kiệm điện là sai. Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động như điều hòa hay tủ lạnh. Chính vì thế việc bật nóng lạnh suốt ngày gây tốn điện và dễ gây hư hỏng thiết bị hơn là việc khi nào cần dùng thì khởi động thiết bị trong 10-20 phút. Việc thường xuyên dùng bút thử điện để kiểm ra vòi hoa sen, ống dẫn nước từ bình nóng lạnh có bị rò điện hay không cũng là phương pháp an toàn cho mỗi gia đình có bình nóng lạnh”, anh Tiến nói.

Một kỹ sư của Trung tâm điện lạnh Bách khoa cho biết, hầu hết các gia đình ở Hà Nội đều sử dụng bình nóng lạnh. Đây là loại thiết bị rất phổ biến nhưng không phải gia đình nào cũng biết sử dụng đúng cách, khoa học. Và nếu sử dụng không đúng cách như: Sử dụng bình quá cũ, bật điện bình khi đang tắm… thì chiếc bình nóng lạnh sẽ trở thành “thần chết” rình rập trong nhà tắm.

Nhanh chóng tắt nguồn điện nhà tắm khi phát hiện rò điện

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, nguyên bác sĩ BV Bạch Mai cho biết: “Khi phát hiện người thân bị điện giật, nằm ngã trong nhà tắm thì trước tiên bạn phải thật bình tĩnh quan sát, tuyệt đối không được chạm vào người nạn nhân vì lúc đó có thể nguồn điện vẫn tiếp xúc với nạn nhân. Ngay sau đó phải ngắt nguồn điện ở cầu dao nhà tắm hoặc cầu dao tổng. Trong trường hợp có thể thì dùng những vật liệu không dẫn điện như gậy tre, gỗ, nhựa khô để kéo nạn nhân ra khỏi nơi tiếp xúc với nước đang nhiễm điện.
Sau khi đưa được nạn nhân ra nơi khô ráo, bạn cần kiểm tra xem người nhà còn thở, ho, hoặc cử động hay không. Nếu không thấy các dấu hiệu này, tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức. Các phương pháp đơn giản nhất như sau: Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu nạn nhân thấp hơn so với chân rồi hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực kịp thời. Cứ thổi một lần thì bóp tim 4 lần. Thủ thuật bóp tim ngoài lồng ngực được thực hiện bằng cách dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt vào vị trí 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh lồng ngực. Cứ kiên trì, tiếp tục làm như vậy cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại. Nếu thấy nạn nhân thở trở lại thì đưa ngay đến BV gần nhất để cấp cứu. Bạn nên gọi cho bác sĩ quen hoặc đường dây nóng 115 để được trợ giúp tốt nhất bởi các nhân viên y tế chuyên nghiệp…

Cần nối đủ 3 dây khi nối điện cho các bình nóng lạnh

Ông Trần Văn Thịnh, trưởng bộ môn Thiết bị điện – Điện tử, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh giống như chiếc ấm đun nước bằng điện, tức là làm nước nóng bằng điện trở (dây mayso). Thường các bình nóng lạnh hiện nay có cảm biến bên trong nên người dùng có thể xoay nút để đặt nhiệt độ làm nóng và bình sẽ tự ngắt khi đạt đến nhiệt độ nhất định. Những tai nạn bị điện giật do bình nóng lạnh thường xảy ra khi bình có hiện tượng bị rò điện. Đó là khi dây điện trở chạm vỏ bên ngoài khiến điện bị rò ra vỏ rồi truyền vào nước. Lý do dẫn đến hiện tượng rò điện này có thể tại lỗi của nhà chế tạo đã đặt dây mayso không ở vị trí trung tâm, quá gần vỏ hoặc do quá trình sử dụng lâu, dây bị biến dạng, lớp bột cách điện giữa dây và vỏ bị biến dạng, làm cho dây mayso bị chạm ra vỏ, hoặc đệm cách điện ở đầu dây bị hỏng. Ngoài ra, tai nạn xảy ra cũng có thể do bình sử dụng đã lâu khiến lớp vỏ bên ngoài của dây dẫn bị nứt, nước thấm vào trong nên nhiễm điện.
Ông Thịnh cũng có lời khuyên đối với những hộ đang sử dụng bình nóng lạnh: “Cần chọn bình nóng lạnh của các nhà chế tạo có uy tín, khi nối điện cho các bình nóng lạnh cần nối đủ 3 dây, trong đó có 2 dây nối vào nguồn điện và một dây nối ra dây tiếp đất để bảo vệ chống rò điện. Thường, các loại bình nóng lạnh nhập từ nước ngoài về hiện nay đều được chế tạo có đủ 3 dây này, tuy nhiên, đa số người tiêu dùng lại bỏ dây nối đất vì nghĩ không cần thiết; Sử dụng thiết bị (aptomat) chống dòng rò, thiết bị này sẽ tự động cắt điện nếu có sự cố rò điện ra vỏ…”.

5/5 (2 bầu chọn)