Skip to content

Bất cẩn lò vi sóng biến thành bom

Do không tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, nhiều gia đình đã bị nổ lò vi sóng, gây cháy chập đường điện trong gia đình.

Vào mùa lạnh, nhiều gia đình sử dụng lò vi sóng để ninh, nướng, hâm lại thức ăn thay cho bếp ga, bếp từ hay các dụng cụ gia nhiệt khác. Tuy nhiên, nhưng không phải gia đình nào cũng biết cách sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả và an toàn...

Bất cẩn lò vi sóng biến thành bom

Chị Bùi Lan Anh (ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) vừa phải sửa lại toàn bộ hệ thống điện trong nhà vì lò vi sóng nhà chị phát nổ, gây cháy lan sang đường điện và các vật dụng khác. Trước khi đi làm, chị Lan Anh dặn người giúp việc hâm lại thức ăn bằng lò vi sóng. Người giúp việc cho thức ăn (để trong đĩa inox) vào lò rồi lên tầng 2 cho con chị Lan Anh ăn. Một lúc sau, bà nghe thấy tiếng nổ lớn, chạy xuống đến nơi thì thấy lò vi sóng đang hừng hực lửa, lửa cũng lan rất nhanh, gây cháy toàn bộ hệ thống điện trong nhà, may mà không ai bị thương tích.

Chuyện nhà chị Lan Anh không phải là trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Văn Bình (đường Phan Huy Ích, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng từng bị một phen hú vía vì lò vi sóng. Một lần, bỏ con cá saba bọc giấy bạc vào lò vi sóng khoảng 10 phút thì lò phát nổ, cửa lò bị bung ra một phần, lủng lẳng dính vào thân lò, con cá bị nổ tung, thịt một nơi, xương một nẻo. Ông Bình kịp thời ngắt điện nên chỉ riêng lò vi sóng bị hỏng, phải sửa mất hơn 1 triệu đồng. Không ít trường hợp cũng gặp tai nạn vì luộc trứng, ngao sò, hâm lại đồ hộp... bằng lò vi sóng không đúng cách.

Nhưng sử dụng lò vi sóng thế nào là an toàn và hiệu quả? Bà Trần Thị Thúy – Trưởng quầy hàng gia dụng của Siêu thị Điện máy Pico Plaza (đường Nguyễn Trãi – Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi thường khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cho những dụng cụ làm bằng kim loại, hoặc bát đĩa sứ có trang trí hoa văn kim loại vào lò vi sóng. Vì khi lò hoạt động, sóng viba không thể xuyên qua kim loại mà sẽ phản hồi lại, gây phóng tia lửa điện, dẫn đến cháy, nổ lò. Với các loại thực phẩm gói giấy bạc, chỉ nên cho vào lò khi sử dụng chức năng nướng. Các dụng cụ chứa thực phẩm làm bằng nhựa thông thường cũng không an toàn với lò vi sóng, vì chúng có thể bị biến dạng, tan chảy, thậm chí sinh ra các chất độc hại làm ô nhiễm thức ăn, có hại cho sức khỏe”. Theo bà Thúy, ngoài các dụng cụ thủy tinh chịu nhiệt, khách hàng có thể cho vào lò vi sóng những dụng cụ đựng thức ăn bằng vật liệu an toàn với lò vi sóng hoặc màng nylon thực phẩm. Thời gian, cách thức cũng như nhiệt độ ninh, nướng với từng loại thực phẩm khác nhau cũng cần được chú ý.

Với những thức ăn có vỏ hoặc màng mỏng như trứng, khoai lang, sò, ốc... cần làm thủng một lỗ nhỏ trên bề mặt hoặc bóc vỏ, cắt nhỏ thực phẩm để tránh phát nổ, vì khi nhiệt độ tăng, thể tích bên trong của thực phẩm cũng tăng theo. Những chất lỏng như sữa, cháo loãng... khi hâm lại bằng lò vi sóng cũng phải được để trong đồ đựng rộng miệng, mặt thoáng, chất lỏng thấp hơn thành đồ đựng để tránh nứt vỡ. Với các loại thực phẩm đóng hộp, tốt nhất nên đổ thực phẩm ra bát, đĩa rồi mới hâm lại. Với những loại thực phẩm khô như thịt nguội, xúc xích, ngũ cốc khi chế biến bằng lò vi sóng, cần cho thêm một cốc nước trắng vào lò. Việc này sẽ hạn chế tình trạng ống magnetron (thiết bị tạo ra sóng viba – nhân tố làm chín thức ăn) bị hư hao.

Theo giadinh.net

Trong trường hợp gặp sự cố như trên, liên hệ với dịch vụ Sửa lò vi sóng của chúng tôi để được hỗ trợ  khắc phục.

5/5 (1 bầu chọn)